Làm gì để sinh con khỏe mạnh? (phần 6)

TTO – 577 thắc mắc của bạn đọc đã gửi đến chương trình trao đổi trực tuyến “Cần chuẩn bị những gì để sinh con khỏe mạnh?” trên Tuổi Trẻ Online sáng 23-12.

Các khách mời của chương trình:

– Giáo sư Nguyễn Duy Tài – trưởng chủ nhiệm bộ môn sản Đại học Y dược TP.HCM; bác sĩ Vũ Thị Nhung – nguyên giám đốc Bệnh viện Hùng Vương; TS. BS Lê Thị Thu Hà – phó phòng khám bệnh viện Từ Dũ TP.HCM; Th.S – BS Đặng Lê Dung Hạnh – trưởng khoa khám bệnh A Bệnh viện Hùng Vương TP.HCM – sẽ tham gia buổi giao lưu để trả lời những thắc mắc của bạn đọc.

NỘI DUNG TƯ VẤN: (tiếp theo)

* Hiện nay em đang có thai được 17 tuần, có đi khám định kỳ và được biết thai đang phát triển bình thường. Nhưng khoảng một tuần nay mỗi sáng ngủ dậy em hay bị đau xương 2 lòng bàn chân và 2 lòng bàn tay. Không biết đây là dấu hiệu bình thường hay bất thường? Có ảnh hưởng gì đến thai không? Xin bác sĩ tư vấn. (Lê Phương, 25 tuổi, maiphuong2075@…)

– Ths.BS Đặng Lê Dung Hạnh: Có thể gặp đau lòng bàn chân ở bà bầu do tăng cân nhiều và chân phải chịu đựng khối lượng cơ thể nhiều hơn, nhất là vào khoảng các tháng sau. Riêng ở tay, có thể gặp khó co gập các ngón tay, cảm giác nặng hay sưng ngón tay vào các tháng cuối, thường vào sáng sớm mới thức dậy, sau khi cử động nhiều thì hết tình trạng này.

Bạn nên thử dùng thêm rau xanh, các loại bổ sung magiê-B6 xem có hết không.

Không ảnh hưởng đến bé (thuốc dùng là loại vẫn thường dùng cho bà bầu, đây là những chất mẹ có thể thiếu khi mang thai).

* Em đang mang thai 4 tháng, chỉ sử dụng thuốc Obimin để bổ sung vitamin, sắt và canxi. Như vậy có đầy đủ chất cho thai không? Có cần uống bổ sung thuốc gì nữa không? (Huỳnh Ngọc Lan Châu, 27 tuổi, lanchau143@…)

– Giáo sư Nguyễn Duy Tài: Obimin là loại thuốc dành cho phụ nữ mang thai bình thường, tuy nhiên nếu thai phụ thiếu máu, thiếu sắt, suy dinh dưỡng trước khi mang thai thì sự dùng thuốc có khác hơn, như vậy bạn nên hỏi trực tiếp bác sĩ đang theo dõi thai kỳ để có những thông tin về sức khỏe sẽ hướng dẫn cụ thể hơn cho bạn như công thức máu, cân nặng, bệnh lý nội khoa…

Riêng vấn đề canxi cũng tùy thuộc vào từng nồng độ canxi trong cơ thể của từng thai phụ để bổ sung nhiều hay ít và bắt đầu khi nào, từ 20 tuần hay 30 tuần hay suốt thai kỳ.

* Thưa bác sĩ, cách đây hơn 1 năm rưỡi em đã từng bị sẩy thai khi thai được 5 tháng và bị mổ lấy bé. Bác sĩ tư vấn giúp em là trong thời gian này em có bé lại được chưa và em có cần đi chích ngừa cúm và rubella trước khi mang thai không? Em đã từng bị sẩy một lần thì khi mang bầu lại em cần kiêng gì không. Cảm ơn bác sĩ. (Nguyễn Thanh Phương, 27 tuổi, dongthuong_bp1502@…)

– TS.BS Lê Thị Thu Hà: Bạn đã được mổ lấy thai cách đây hơn 18 tháng, hiện nay bạn có thể mang thai lại được. Việc tiêm ngừa cúm và rubella trước khi mang thai là điều cần thiết. Sau khi tiêm ngừa rubella 3 tháng trở đi, bạn có thể có thai. Khi bắt đầu có thai, bạn nên đi khám và làm các xét nghiệm cần thiết trong thai kỳ.

Một số điều cần lưu ý khi mang thai:

– Về dinh dưỡng: không nên dùng thức ăn quá mặn hoặc quá ngọt; không dùng chất kích thích, chất gây nghiện.

– Về sinh hoạt: không làm những việc nặng, tránh căng thẳng quá mức, không nên ngâm mình dưới nước ao tù.

– Tránh tự ý dùng các loại thuốc. Chỉ sử dụng thuốc theo sự hướng dẫn bác sĩ.

* 42 tuổi, tôi sinh con có nguy cơ con bệnh hội chứng Down không? Nơi đâu và phương pháp y học hiện đại có thể loại trừ nguy cơ đó? Và sinh con gái theo ý muốn phải làm thế nào? (Trương Thị Mỹ Anh, 42 tuổi, hatsuongmai95@…)

– Giáo sư Nguyễn Duy Tài: Sau 35 tuổi nguy cơ sinh con bị hội chứng Down nhiều hơn so với tuổi dưới 30. Hiện nay trong TP.HCM có 3 trung tâm tầm soát hội chứng Down: Bệnh viện Hùng Vương, Từ Dũ, Bệnh viện Đại học Y dược. Để xác định thai nhi bị hội chứng Down thì sẽ lấy nước ối làm nhiễm sắc thể đồ (xét nghiệm này được thực hiện tại 3 trung tâm trên).

Riêng vấn đề sinh con theo ý muốn hiện nay chưa có phương pháp nào thuyết phục.

* Tôi mang thai được 16 tuần, khoảng thời gian này tôi hay bị đau một bên sườn phải và ngủ không được, một ngày ngủ chỉ khoảng 5 giờ và giấc ngủ không sâu. Tôi phải làm gì thưa BS? (Nguyễn Thị Trang, 34 tuổi, luntit2010@)

– ThS.BS Đặng Lê Dung Hạnh: Thai 16 tuần thì chưa quá to để chèn ép vùng hông gây đau. bạn cần kiểm tra lại tình trạng gan và thận phải.

Có thể dùng thêm một số thức ăn có tính an thần như hạt sen, bạch quả để gây an thần và dễ ngủ, vì ngủ 5 giờ/đêm với người thường cũng là vấn đề. Nếu có căng thẳng trong cuộc sống thì cố gắng giải tỏa.

Cũng cần xem lại số giờ ngủ trong ngày, nếu ngủ ngày nhiều thì sẽ phải ít thời gian ngủ đêm; nếu có ngủ ngày nên tìm cách xoay sao cho ít lại thời gian ngày và tăng giờ ngủ đêm.

* Xin hỏi bác sĩ uống sữa bầu có gây mất sữa sau khi sinh không? (Phạm Thị Thu, 27 tuổi, thu_socialworker@…)

– Giáo sư Nguyễn Duy Tài: Trong thời gian mang thai cần chế độ dinh dưỡng phù hợp để mẹ khỏe mạnh và thai nhi được phát triển. Như vậy trong thai kỳ thai phụ cần lên cân 10-12kg là đủ. Tuy nhiên nếu khởi đầu thai phụ trên 60kg thì chỉ nên lên cân 7-8kg mà thôi. Còn nếu dưới 40kg thì có thể lên đến 15kg. Sữa là một loại thực phẩm gồm có đường, đạm và béo. Nếu bạn không ăn uống được sẽ uống thêm sữa để có thể tăng cân như mong muốn.

Cơ chế tạo sữa sau sinh là do nội tiết tố trong cơ thể sản phụ chứ không phải do uống sữa trong thời kỳ mang thai. Thực tế, bạn sẽ thấy nhiều sản phụ 60-70kg vẩn không có sữa cho con, ngược lại sản phụ 45-50kg rất nhiều sữa để nuôi con.

* Xin BS chẩn đoán ngày dự sinh của tôi có phải qua tết âm lịch không và trong khoản thời gian nào? Kỳ kinh cuối của tôi là ngày 29-4-2010. Hiện tại theo như dự tính của BS tư và bệnh viện thì ngày dự sinh của tôi chênh lệch tới hơn 1 tháng. Tôi rất lo lắng vì tư thế nằm nghiêng trái, phải tôi thấy bụng rò lên sợ nằm nghiêng có đè lên con tôi không, và cho tôi biết dấu hiệu trước khi sinh. Mong BS vui lòng tư vấn giúp. (Lê Ngọc Diễm, 32 tuổi, lengocdiem_80@…)

– Ths. BS Đặng Lê Dung Hạnh: Ngày dự sinh của bạn vào khoảng 5-2, nếu như vòng kinh của bạn đều đặn và bạn nhớ rõ kỳ kinh chót (là ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng, ví dụ kỳ kinh cuối là tháng 4, thì tháng 3 vẫn còn kinh, và tháng 5 không có kinh nữa).

Ngày dự sinh có nghĩa là thai đã được 40 tuần vào ngày này, nhưng trẻ có thể được sinh ra từ 37 tuần đến 41 tuần, đây là khoảng thời gian bình thường, trước 37 tuần là sinh non, bé càng xấu nếu tuổi càng non, sau 41 tuần là quá ngày dự sinh cần can thiệp cho bé ra sớm.

Có khi bệnh viện còn tính ngày dự sinh theo kết quả siêu âm sớm, kết quả này thường chính xác hơn tính theo ngày kinh cuối, do bạn nhớ kinh không đúng hay vòng kinh của bạn không đều, điều này có thể đang xảy ra với bạn nên bạn đã có ngày dự sinh khác nhau theo hai hơi khám bệnh.

Nằm nghiêng hay nằm ngửa đều không ảnh hưởng đến thai. Trên bà mẹ, thường khuyên nằm nghiêng để tránh chèn ép bụng khó thở, tránh chèn ép đường máu từ chân về tim, sẽ gây thiếu máu nuôi thai, nhất là vào lúc thai lớn, tuy nhiên còn tùy bà mẹ, thấy tư thế nào làm mình dễ chịu thì áp dụng tư thế đó.

Dấu hiệu trước sinh: bụng trằn, bụng sụt.

Đau bụng, có cơn gò tử cung (cảm nhận được và gây đau, cơn đau thường xuyên và đều đặn dần, khi 1-2 cơn đau/10 phút thì nên đến bệnh viện), ra nhớt hồng vùng kín, ra nước vùng kín (nên đi khám ngay).

* Em nghe nói thai phụ bị nghén nhiều thì thai nhi mới khỏe có đúng không bác sĩ. Em mang thai đã được 9 tuần nhưng vẫn chưa bị nghén gì nên không biết mình có bị sao không? (Nguyễn Khánh, 27 tuổi, girl41283@…)

– TS.BS Lê Thị Thu Hà: Tình trạng nghén thường xảy ra trong 3 tháng đầu thai kỳ với nhiều mức độ khác nhau. Không phải tất cả các thai phụ đều bị nghén. Khoảng 70% phụ nữ mang thai có triệu chứng nghén. Bạn mang thai 9 tuần và vẫn chưa bị nghén là nằm trong số 30% còn lại. Để đánh giá tình trạng sức khỏe thai nhi cũng như của chính bạn, việc khám thai định kỳ là cần thiết. Khi khám thai, bạn sẽ được cho làm các xét nghiệm và siêu âm phù hợp với từng giai đoạn tuổi thai. Chúc bạn và bé khỏe.

* Kính thưa giáo sư, em đang định sang năm sẽ có em bé. Em nghe nhiều người nói là trước khi có em bé nên uống bổ sung axid folic. Kính nhờ giáo sư tư vấn giùm ạ. Tác dụng của axid folic này là gì? Có phải ai cũng cần phải uống bổ sung không? Trước khi uống có cần đi khám gì không ạ? Thời gian và liều lượng uống như thế nào?

Ngoài ra thai phụ có cần uống bổ sung dưỡng chất gì không? Bên cạnh đó, trong quá trình có em bé có cần kiêng cữ những món ăn nào đặc biệt không? Vì có một số người quen khuyên là không nên ăn cá thu (hoặc những cá lớn) vì những con cá lớn có hàm lượng thủy ngân cao hơn những con cá bé. Xin cảm ơn sự tư vấn của giáo sư. Trân trọng. (danphuong, 29 tuổi, danphuongvn@…)

– Giáo sư Nguyễn Duy Tài: Acid Folic có thể ngăn ngừa dị tật ống thần kinh. Ở phụ nữ có con trước đó bị dị tật ống thần kinh, Acid Folic liều cao (4 mg/ngày) giúp làm giảm nguy cơ 70%. Ở tại Hoa Kỳ, acid Folic liều cao giảm nguy cơ tái phát từ 3% xuống còn 1%, như vậy theo Hiệp hội sản phụ khoa Hoa Kỳ đề nghị phụ nữ muốn có thai nên uống ít nhất 1 tháng trước khi thụ thai và tiếp tục cho đến hết 3 tháng đầu.

Các yếu tố nguy cơ dị tật ống thần kinh ngoài thiếu Acid Folic còn có thể do người mẹ bị đái tháo đường trước khi mang thai. Mỗi ngày nên uống 400µg (microgram) cộng thêm 200µg Folate tự nhiên trong thức ăn (rau xanh, trái cây, ngũ cốc).

Mỗi bữa ăn gồm các chất cơ bản: đường, đạm, béo, vitamin, chất khoáng. Bạn có thể ăn theo sở thích cần đủ các thành phần cơ bản. Không nên tự uống thuốc khi không có sự hướng dẫn của BS dù chỉ là 1 viên Obimin.

* Em bị cao huyết áp mãn tính. Em có được sinh thường hay bắt buộc phải sinh mổ?(Dinh Thi Dung, 30 tuổi)

– TS.BS Lê Thị Thu Hà: Cao huyết áp mãn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ cũng như thai nhi. Với người mẹ, tình trạng cao huyết áp mãn có thể ảnh hưởng trên tim, thận và tuần hoàn não. Với thai nhi có nguy cơ thai chậm phát triển và sinh non. Nguy cơ tiền sản giật kết hợp trên cao huyết áp mãn khá cao.

Trong những trường hợp cần phải kết thúc thai kỳ do tình trạng bệnh lý của mẹ, có thể dùng những biện pháp khởi phát chuyển dạ như dùng thuốc, đặt túi nước vào cổ tử cung, tách màng ối…

Nếu những biện pháp này thất bại sẽ mổ lấy thai. Những trường hợp có chống chỉ định khởi phát chuyển dạ như: thai suy, ngôi ngang, vết mổ cũ… thì có chỉ định mổ chủ động. Điều quan trọng là bạn cần phải theo dõi và điều trị tình trạng cao huyết áp mãn và khám thai định kỳ.

* Em có mang bầu được 8 tuần tuổi nhưng từ khoảng tuần thứ 6 trở lại đây em hay đi tiểu rất nhiều lần và đi cầu thì rất khó khăn (bị bón), em nghe người ta chỉ dẫn là ăn khoai môn nhưng em vẫn thấy không có kết quả khả quan gì. (Nguyễn Thị Mỹ thương, 25 tuổi, nucuoithienthan054@…)

– PGS.TS. Vũ Thị Nhung: Người có thai thường đi tiểu nhiều lần do tử cung to dần chèn ép vào bàng quang và họ cũng thường bị bón do ảnh hưởng nội tiết làm giảm nhu động ruột. Bạn có thể ăn thức ăn nhiều chất xơ như rau xanh, trái cây, uống nhiều nước để giảm bón. Bạn nên thường xuyên vận động hay có thể đến Phòng khám thai của BV Hùng Vương xin đăng ký lớp tập thể dục trước sanh để giúp sự vận động có hiệu quả, qua đó giúp tăng nhu động ruột.

* Em đang mang thai tuần thứ 9, em dự định sẽ về quê bằng tàu hỏa vào dịp tết nhưng lại nghe một số người bảo những tháng đầu thai kỳ nên hạn chế đi tàu xe. Em không biết mình có nên về quê hay không. Từ Sài Gòn về quê em mất khoảng 12 tiếng đồng hồ. Xin bác sĩ cho em lời khuyên (Nguyễn Khánh, 27 tuổi, girl41283@…)

– Giáo sư Nguyễn Duy Tài: Còn khoảng 5 tuần nữa, tức thai được 14 tuần. Nếu bạn đi khám trước khi về quê, bác sĩ nói thai phát triển tốt bạn có thể về quê được bằng xe lửa. Bạn có thể dùng những món ăn trong ngày Tết bình thường. Chúc khỏe!

* Em có bé đầu lòng được 9 tháng mất, em sinh mổ, bé có bệnh thiếu men G6PD. Đến nay sau 20 tháng từ khi sinh mổ, hiện tại em đã trễ kinh 3 ngày và thử que là có thai. Bác sĩ cho em hỏi: Làm thế nào có thể tầm soát được bệnh thiếu men G6PD, liệu bé sau của em có bị bệnh nữa không ạ. Có thể sinh thường sau khi sinh mổ được không, vì em cũng có chị bạn đã sinh thường sau khi mổ. Em xin cám ơn!(Lê Thị Ngọc Vân, 29 tuổi, vannhi_1982@…)

– Giáo sư Nguyễn Duy Tài: Sau 20 tháng có thai lại thì thai có thể giữ được, vấn đề sanh thường hay sanh mổ trong thai kỳ lần này sẽ tùy thuộc vào tuổi thai, tình trạng sức khỏe mẹ, sức khỏe thai lúc sanh. Để tầm soát bệnh thiếu men G6PD ở trẻ sơ sinh thì có thể xét nghiệm máu ở gót chân bé 48 giờ sau sanh. Xét nghiệm này đã được thực hiện ở bệnh viện Hùng Vương, Từ Dũ trong nhiều năm nay.

(còn nữa)

Biên tập: Bs Phạm Đức Dục, theo TTO

Tìm hiểu thêm các vấn đề khác:

Hiểu về làn da của trẻ sơ sinh

Nguyên nhân trẻ sơ sinh hay bị chàm sữa ở mặt

Bình luận về bài viết này